Thứ Tư, 24 tháng 6, 2020

Tất tần tật thông tin cần biết về quá trình chuyển đổi từ Intel sang “Apple Silicon”

Trong sự kiện WWDC, Apple đã nói rất nhiều về quá trình chuyển đổi từ Intel sang bộ xử lý tự phát triển trên nền tảng ARM. Dưới đây là tất cả những thông tin công ty đã chia sẻ về quá trình chuyển đổi này.

Việc chuyển đổi giữa Intel và bộ xử lý tự phát triển không đơn giản chỉ là thay đổi một con chip như việc đổi từ Intel sang AMD, đây là cả một quá trình thay đổi kiến trúc tập lệnh, cách xử lý tính toán các dữ liệu khác nhau hoàn toàn. Vì vậy Apple cần chuẩn bị kỹ cả về mặt phần cứng lẫn phần mềm để quá trình chuyển đổi diễn ra suôn sẻ nhất.

Apple Silicon là gì?

Apple đang gọi kiến ​​trúc của mình là Apple Silicon, tất nhiên đây cũng chỉ là tên gọi. Về cơ bản thì vẫn giống như bộ xử lý Apple-A đang được sử dụng trên iPhone, iPad trong nhiều năm nay. Bộ xử lý sẽ dựa trên kiến trúc ARM và được các kiến trúc sư tại Apple tùy biến sâu, bổ sung thêm nhân đồ họa tự thiết kế, các công cụ thần kinh mà một số thành phần khác cho hiệu suất vượt trội hơn.

Về hiệu năng, A12X từ iPad Pro 2018 thực sự đã quá mạnh nên không có gì phải lo lắng về hiệu suất của những chiếc Mac chạy trên nền tảng mới, vấn đề cần quan tâm chính nằm ở khả năng tương thích phần mềm, điều mà hiện tại thậm chí AMD vẫn chưa thể làm tốt bằng Intel.

Nhưng may mắn là Apple không chỉ sản xuất phần cứng, công ty nắm trong tay một hệ sinh thái phần mềm lớn. Trong đó có rất nhiều phần mềm được sử dụng rộng rãi như Final Cut Pro X và rất nhiều phần mềm khác vốn đã có trên iPhone và iPad – những thiết bị đang chạy trên nền tảng ARM. Vì vậy quá trình chuyển đổi này chắc chắn sẽ diễn ra dễ dàng hơn nhiều so với Windows.

Ngoài những phần mềm "nhà trồng" được, với sức ảnh hưởng của mình công ty cũng dễ dàng hợp tác với nhiều nhà phát triển phần mềm khác để tối ưu cho Mac ARM. Dễ thấy nhất là Adobe, ngay cả khi chưa công bố Mac ARM thì đã có rất nhiều ứng dụng được nhà phát triển này phát hành một phiên bản riêng dành cho iPad. 

Những ưu và nhược điểm khi chuyển từ Intel sang bộ xử lý tự sản xuất

Ưu điểm lớn nhất của việc thay đổi này là Apple có thể kiểm soát hoàn toàn các nền tảng phần cứng của mình. Công ty sẽ có thể chủ động phát hành sản phẩm, nâng cấp hay tùy chỉnh tự do, không bị quá phụ thuộc vào một nhà cung cấp khác như hiện nay. Ngoài ra thì việc chuyển sang bộ xử lý tự sản xuất, về lâu dài có thể sẽ mang lại lợi nhuận cao hơn. Nói là về lâu dài là bởi ở thời gian đầu chi phí nghiên cứu và phát triển là rất tốt kém nên thời gian này không thể tiết kiệm hơn so với việc đi mua từ một công ty khác được.

Tuy nhiên khi chuyển sang nền tảng ARM có rất nhiều điều cần phải giải quyết. Hiện tại hầu hết mọi phần mềm đều được phát triển cho x86, việc dịch hết tất cả phần mềm này để chạy trên ARM cần nhiều thời gian và cần được hỗ trợ từ phía nhà phát triển. Có nhiều công nghệ Intel vẫn chiếm ưu thế, ví dụ như Thunderbolt 3 đang được sử dụng trên mọi chiếc Mac hiện nay. Khi Apple chuyển sang ARM, hoặc là phải được Intel cấp phép cho công nghệ này, hoặc là phải nghiên cứu phát triển một phương thức kết nối mới. 

Những ứng dụng nào sẽ hoạt động trên Apple Silicon?

Bản thân hệ điều hành, cũng như tất cả các chương trình của Apple sẽ có sẵn trên nền tảng mới ngay từ ngày đầu tiên. Apple còn đang đẩy nhanh quá trình đưa các ứng dụng trên iOS sang macOS, vì vậy kho ứng dụng cho Mac mới là không thiếu. Trong sự kiện WWDC, Apple cũng đã chạy một đoạn demo Final Cut Pro X và Adobe Lightroom trên một nguyên mẫu Mac ARM nên cơ bản là sẽ có đầy đủ những thứ cần thiết cho phần lớn người dùng.

Adobe cũng đang nghiên cứu chuyển đổi Creative Cloud để tất cả phần mềm của hãng có thể chạy mượt mà trên Mac mới. Office của Microsoft đã có phiên bản cho ARM từ lâu nên không cần lo lắng. Việc các nhà phát triển phần mềm lớn hỗ trợ nền tảng mới chắc chắn sẽ giúp quá trình chuyển đổi diễn ra dễ dàng hơn.

Các công cụ ảo hóa như Parallels Desktop cũng sẽ tiếp tục khả thi. Apple cũng cho thấy Debian Linux chạy như một máy ảo trong Parallels Desktop. Tuy nhiên, không rõ liệu hệ thống Linux có được biên dịch trên chip ARM hay không. 

Phó chủ tịch cấp cao về Kỹ thuật và Hỗ trợ khách hàng tại Parallels – Nick Dobrovolsky nói rằng: "Parallels tự hào được hợp tác chặt chẽ với Apple trong quá trình chuyển đổi thú vị này và chúng tôi mong muốn ra mắt hỗ trợ cho máy Mac tương lai với Apple Silicon."

Hiện tại Windows cũng đã có phiên bản cho ARM, nhưng không rõ có thể cài đặt và chạy trên Mac mới được hay không.

Các nhà phát triển sẽ cần phải làm gì?

Để các ứng dụng x86 chạy trên nền tảng ARM, các nhà phát triển sẽ phải biên dịch lại mã nguồn. Về cơ bản là tạo thêm một phiên bản khác và tải chúng lên App Store. Đây phải là một quy trình đơn giản: Apple nói rằng hầu hết các dự án sẽ được xách tay trong vòng một vài ngày. Tuy nhiên, để có hiệu suất tốt nhất, các nhà phát triển có thể cần phải điều chỉnh cách họ sử dụng tài nguyên phần cứng. 

Để phiên dịch ứng dụng sang ARM, Apple đã cung cấp phiên bản mới của Xcode – công cụ lập trình dành cho các nhà phát triển của Apple. Khi biên dịch, Xcode 12 tạo ra cái gọi là Ứng dụng Universal 2, chứa mã cho cả bộ xử lý Intel và ARM.

Apple cũng sẽ cung cấp một công cụ gọi là Rosetta như đã thực hiện khi chuyển từ chip PowerPC sang chip Intel, công cụ mới được gọi là Rosetta 2. Về cơ bản thì trong quá trình chuyển đổi, mọi ứng dụng phải chạy được cả trên hai nền tảng Intel lẫn "Apple Silicon". Vì vậy khi người dùng cài đặt ứng dụng, hệ thống sẽ tự nhận diện, phiên dịch chéo để cung cấp phiên bản phù hợp.

Tuy nhiên nếu ứng dụng này không được cung cấp trên Mac App Store thì Rosetta 2 không thể hoạt động. Các ứng dụng này có thể sẽ được Apple giải quyết bằng một cách khác.

Tuy nhiên không phải công cụ nào cũng hoạt động

Các chuyên gia cho biết, không phải tập lệnh nào của Intel cũng có thể dịch được sang ARM. Nhiều lệnh sẽ không thể chạy hoặc chạy hơn đáng kể khi chuyển đổi sang nên tảng mới. Đây là những điều Apple buộc phải tìm ra giải pháp thay thế, khắc phục để cung cấp cho các nhà phát triển ứng dụng hướng giải quyết.

Chi tiết về Mac mini dành cho nhà phát triển

Apple cho biết cuối năm nay những chiếc Mac ARM đầu tiên sẽ được giới thiệu. Tuy nhiên ngay bây giờ công ty đã cung cấp một chiếc Mac mini dành riêng cho các nhà phát triển với thông số:

  • A12Z SoC
  • RAM 16GB
  • SSD 512 GB
  • Cài sẵn macOS Big Sur developer beta và Xcode

Chiếc Mac mini này có mức giá $500, nhưng đến một lúc nào đó thiết bị sẽ được yêu cầu hoàn trả cho Apple vì cơ bản đây chỉ là thiết bị giúp cho các nhà phát triển test app mà thôi.

Quá trình chuyển đổi sẽ mất 2 năm, vì vậy có thể những thiết bị có hiệu năng thấp, thị phần nhỏ sẽ được chuyển đổi trước.


_ Tham gia group  Thảo luận công nghệ CellphoneS :  Tại đây

_ Like/follow fanpage  Sforum.vn :  FB.com/SforumTech

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét