Những năm qua, làng di động liên tục chứng kiến những sự "thay ngôi đổi chủ", đặc biệt là trong công nghệ smartphone. Các hãng smartphone Trung Quốc đang ngày càng phát triển mạnh mẽ và khẳng định chỗ đứng riêng của mình.
Khởi đầu với cái mác "kẻ ăn theo"
Những năm về trước, khi nhắc đến smartphone Trung Quốc, chúng ta dường như chỉ nhớ đến cái mác "Made in China", những chiếc điện thoại có giá rẻ nhưng chất lượng không đảm bảo. Tiếp theo đó, khi các OEM Trung Quốc có thể sản xuất ra những chiếc smartphone tốt hơn, bền hơn, họ lại tiếp tục bị gán mác "kẻ sao chép Apple ".
Nổi bật trong số này chính là Xiaomi , nhà sản xuất được mệnh danh là " Apple Trung Quốc" với việc nhái theo Apple từ smartphone, tablet đến giao diện người dùng. Đơn cử là chiếc Xiaomi Mi 4, không chỉ "mượn" thiết kế của nhà Táo, Tiểu Mễ còn "lấy cảm hứng" từ iOS 7 để thiết kế giao diện MIUI 6 của mình.
Tương tự Xiaomi, OPPO cũng có một "biến thể song sinh" với hệ điều hành iOS của Apple, đó chính là ColorOS, với thiết kế gần như giống hệt nhau, từ màn hình khóa, hiệu ứng mờ nền đến thanh thông báo, màn hình đa nhiệm và cách bố trí biểu tượng,…
Chưa dừng lại ở đó, khi Apple ra mắt chiếc iPhone X với màn hình "tai thỏ", hàng loạt các nhà sản xuất cũng lập tức "ăn theo" thiết kế này. Kết quả là thị trường smartphone 2018 không có quá nhiều sự khác biệt giữa các nhà sản xuất, hầu như các sản phẩm đều na ná nhau và không có gì nổi bật.
Ngoài ra, mặc dù đã tồn tại trong thị trường di động trong rất nhiều năm, hầu hết các thương hiệu Trung Quốc đều không thể tạo ra dấu ấn riêng cho mình, cả về công nghệ lẫn thiết kế. Phải chăng họ đã quen với việc "xài chùa" thay vì phải chi tiền cho hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D)?
Có thể thấy, nếu đứng ở thời điểm hiện tại, các OEM Trung Quốc đã có một quá khứ không muốn nhắc lại. Đến nỗi mỗi khi một sản phẩm mới được ra mắt, các công ty này lại tiếp tục chịu nỗi ám ảnh từ những chiếc smartphone nhà Táo, vì cớ gì cứ phải lôi iPhone vào?
Hành trình "lột xác" và trở thành "người tiên phong"
Thị trường smartphone luôn đổi mới không ngừng, đó là kết quả của sự cạnh tranh khốc liệt từ các nhà sản xuất. Các vị trí trên bản đồ di động thế giới cũng đã không còn như xưa nữa, những tên tuổi đến từ Trung Quốc đang vùng lên mạnh mẽ, tìm được hướng đi riêng và dần thoát khỏi cái mác "kẻ ăn theo".
Những cải tiến mạnh mẽ về thiết kế
Thiết kế smartphone vốn là đề tài được người dùng săm soi nhiều nhất mỗi khi các nhà sản xuất ra mắt sản phẩm. Thời thế đã thay đổi, minh chứng là các OEM Trung Quốc đã khẳng định được cái tôi trong thiết kế, đồng thời lật ngược tình thế để trở thành người tạo ra xu thế.
Đầu tiên phải nói đến Huawei , nhà sản xuất đã chính thức vượt mặt Apple để giành lấy ngôi vị nhà sản xuất điện thoại lớn thứ 2 thế giới vào năm ngoái. Phải thừa nhận rằng Huawei là một trong những thương hiệu thành công nhất trong năm 2018 khi liên tục tạo ra những sản phẩm thời thượng và trở thành biểu tượng trong thiết kế, được nhiều hãng khác "học hỏi".
Huawei P20 Pro là chiếc điện thoại đầu tiên trên thế giới sở hữu thiết kế mặt sau gradient đẹp mắt. Kể từ khi sản phẩm này ra mắt, thiết kế gradient đã trở thành xu hướng mới, được sử dụng bởi hầu hết các nhà sản xuất, ngay cả Samsung .
Xiaomi đang chứng minh rằng mình không muốn trở thành Apple thứ hai. Bằng chứng là dòng Xiaomi Mi MIX đã giới thiệu một khái niệm màn hình điện thoại gần như không viền. Tiếp sau đó, khi cả làng di động không cứ mãi loay hoay với notch "tai thỏ", Xiaomi đã tiên phong với một giải pháp mới: Màn hình trượt trên Xiaomi Mi MIX 3 .
Ngoài ra, hai anh em OPPO và Vivo đã mang đến một khái niệm màn hình không viền mới với camera pop-up, đã làm dậy sóng làng công nghệ trong năm 2018. Chưa hết, Huawei và công ty con Honor của mình cũng vừa ra mắt những chiếc smartphone đầu tiên với màn hình "nốt ruồi", hứa hẹn sẽ trở thành xu hướng màn hình thịnh hành trong năm 2019.
Những thiết lập camera mới, chất lượng chụp ảnh tốt hơn
Ngoài thiết kế thì camera cũng là một trong những vấn đề nổi cộm trong làng di động 2018 với sự đột phá đến từ các thương hiệu Trung Quốc. Đầu tiên phải kể đến chính là chiếc Huawei P20 Pro, chiếc smartphone đầu tiên trên thế giới được trang bị thiết lập 3 camera sau. Trong khi đó, Samsung phải mất nhiều tháng sau đó mới có thể tạo nên sản phẩm tương tự với chiếc Galaxy A7 (2018) của mình.
Huawei một lần nữa chứng minh được sự sáng tạo không ngừng nghỉ của mình khi mới đây đã ra mắt chiếc Nova 4, chiếc điện thoại đầu tiên có camera 48MP. Tiếp sau đó, Honor và Xiaomi cũng đã có những chiếc smartphone sở hữu đặc điểm tương tự, thậm chí là trên thiết bị giá rẻ Xiaomi Redmi Note 7.
Ngoài ra, các nhà sản xuất Trung Quốc cũng đã định nghĩa lại thị trường smartphone khi mang thiết lập camera kép lên hầu hết các dòng sản phẩm của mình, từ những điện thoại giá rẻ đến các thiết bị tầm trung và cả những chiếc flagship đắt đỏ, điều này đã gây cho Samsung và Apple không ít khó khăn.
Cải tiến pin cả về dung lượng lẫn công nghệ sạc
Dung lượng pin là một trong những yếu tố được đông đảo người dùng quan tâm. Các nhà sản xuất smartphone Trung Quốc luôn làm người dùng cảm thấy hài lòng về dung lượng pin trên thiết bị khi trang bị viên pin có dung lượng từ 3.000 đến 4.000 mAh hoặc thậm chí cao hơn, thoải mái cho một ngày sử dụng.
Chưa dừng lại ở đó, công nghệ sạc nhanh là một khía cạnh mà các OEM Trung Quốc đang nắm trong tay lợi thế. Có thể kể tới Super VOOC, công nghệ sạc nhanh nhất hiện nay với khả năng sạc 34% pin sau 10 phút sạc, 50% sau 15 phút và 92% sau nửa giờ sạc. Bên cạnh đó, SuperCharge của Huawei hay Dash Charge của OnePlus cũng là những hệ thống sạc nhanh hàng đầu hiện nay.
Ngoài ra, các thương hiệu Trung Quốc cũng đang mở ra kỉ nguyên sạc không dây cho nhiều thiết bị hơn, có thể kể đến những sản phẩm được ra mắt gần đây với bộ sạc không dây trong hộp đựng như Xiaomi Mi MIX 3 hay Huawei Mate 20 Pro.
Đột phá trong công nghệ – Mấu chốt cho sự phát triển
Việc bị tố đạo nhái công nghệ đã trở thành dĩ vãng, giờ đây các hãng smartphone Trung Quốc đã chi tiêu nhiều hơn cho hoạt động R&D của mình, qua đó liên tục trình làng những công nghệ đột phá khiến cả làng di động phải thốt lên.
Đầu tiên là khả năng sạc không dây ngược mà Huawei đã mang lên chiếc Huawei Mate 20 Pro của mình, được ra mắt vào cuối năm ngoái. Đây là một tính năng vô cùng thú vị, dự kiến sẽ được Samsung áp dụng trên chiếc Galaxy S10 sắp tới của mình.
Trong khi Samsung đã mất tới hơn 7 năm để nghiên cứu và chế tạo chiếc smartphone màn hình gập của mình nhưng vẫn chưa thể ra mắt thì mới đây Xiaomi, tuy im hơi lặng tiếng nhưng đã bất ngờ rò rỉ đoạn clip về thiết bị tương tự, một chiếc điện thoại có thể gập cả 2 bên và được đánh giá cao hơn bất kì thiết kế màn hình gập nào trước đó.
Khi kỉ nguyên tràn viền đang đến rất gần thì công nghệ cảm biến vân tay trong màn hình ngày càng được các nhà sản xuất ưa chuộng và tập trung phát triển. Vivo là hãng smartphone đầu tiên trên thế giới trang bị tính năng này trên chiếc smartphone Vivo X21 UD vào đầu năm ngoái. Xiaomi mới đây cũng đã tân trang công nghệ này khi cho phép mở khóa chỉ bằng một cú chạm, đồng thời tăng diện tích quét dấu vân tay.
Vậy lúc đó Samsung đang ở đâu? Thậm chí là cho đến thời điểm hiện tại, Samsung vẫn chưa có sản phẩm nào sở hữu công nghệ tương tự. Các tin đồn cho rằng Galaxy S10 Series sẽ là những thiết bị đầu tiên của Samsung được trang bị tính năng này, tuy nhiên liệu điều này có trở thành sự thật, hãy cũng chỉ là lời đồn tương tự cách mà Galaxy Note 9 đã có trước đó.
OPPO cũng sở hữu nhiều điểm nhấn công nghệ riêng của mình trong thời gian qua, mới đây nhất chính là công nghệ zoom quang 10x, kết hợp ống kính zoom quang 5x với 1 ống kính góc rộng giúp tạo ra khả năng thu phóng 10x.
Tương lai nào cho các "cựu vương"?
Ở đây, mình xin phép được gọi Apple và Samsung cái tên "cựu vương" bởi họ đã không còn là những thương hiệu dẫn đầu về công nghệ nữa. Thậm chí vị trí số 1 về thị phần của Samsung hoàn toàn có thể biến mất trong một sớm một chiều. Liệu các công ty này có nối gót HTC, Sony và sớm bị các OEM Trung Quốc "nhấn chìm".
Còn về những nhà sản xuất Trung Quốc, có thể thấy sự đổi mới từ các công ty này luôn đi kèm với những điều tiếng. Tuy nhiên một sự thật không thể chối bỏ là họ đang đi nhanh hơn Apple và Samsung. Trong tương lai gần, với đà phát triển mạnh mẽ này, các OEM Trung Quốc hứa hẹn sẽ tạo nên nhiều kì tích hơn nữa.
Tương lai của làng công nghệ sẽ đi về đâu, liệu cuộc chiến khốc liệt này có thể tìm được điểm dừng, cùng chờ xem nhé.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét