Việc so sánh sản phẩm với đối thủ trên thị trường không phải là xa lạ. Nhưng tại sao gần như nhà sản xuất smartphone nào cũng đem flagship cao cấp của mình so sánh với iPhone ? Chúng ta nên lý giải điều này như thế nào?
iPhone là chuẩn mực trong tâm trí của phần lớn người dùng
Ngay từ những ngày đầu tiên xuất hiện trên thị trường, Apple đã lên kế hoạch định hình iPhone là một smartphone cao cấp. Bằng chứng dễ thấy nhất là giá iPhone lúc nào cũng ở mức cao và tăng dần theo thời gian. Khởi đầu từ 499 USD cho thế hệ đầu tiên vào năm 2007, và lên đến 1,449 USD cho phiên bản "max option" của iPhone XS Max ra mắt năm 2018 – một mức giá khiến nhiều người dùng phải thảng thốt!
Chắc chắn Apple phải có lý do để giữ giá iPhone luôn cao như vậy. Phần lớn là bởi sự hài lòng về chất lượng iPhone của hầu hết người dùng, và họ cho rằng iPhone x ứng đáng với cái mác cao cấp. Đó là điều khó có thể phủ nhận. Trải nghiệm trên các model iPhone luôn giữ sự ổn định đáng ngạc nhiên, đạt đến độ hoàn hảo tương đối ở hầu hết những khía cạnh thông thường, từ hiệu năng, camera, màn hình, pin hay cả thiết kế.
Nếu xét theo phương diện tích hợp những tính năng mới, các nhà sản xuất Android tỏ ra nhanh chân hơn hẳn, nhưng những gì Apple làm được luôn mang đến trải nghiệm thoải mái cho người dùng và biến tính năng đó trở thành một trào lưu mạnh mẽ.
Pantech GI100 là điện thoại đầu tiên có cảm biến vân tay từ năm 2004, trong khi iPhone 5S tích hợp vào năm 2013, tức chậm hơn đến 9 năm! Tuy nhiên, độ chính xác và tốc độ nhận diện vượt trội của cảm biến vân tay trên iPhone 5S mới thật sự giúp người dùng có thể sử dụng nó hàng ngày như một thói quen. Chỉ 1 năm sau đó, đã có đến 33 mẫu smartphone sở hữu tính năng bảo mật này, 29 trong số đó đặt vị trí cảm biến ở mặt trước tương tự iPhone 5S.
Những ví dụ điển hình khác là camera kép trên iPhone 7 Plus và thiết kế màn hình "tai thỏ" của iPhone X. Không khó để nhận ra bắt đầu từ thời điểm iPhone 7 Plus hay iPhone X ra mắt, những smartphone có 2 tính năng này xuất hiện rất nhiều trên thị trường, mặc dù công đầu "khai phá" chúng vẫn thuộc về các hãng smartphone Android.
Dĩ nhiên để iPhone đạt được sự công nhận về chất lượng rộng rãi như hiện nay là cả một quá trình lâu dài, ở đó Apple dần trở thành thương hiệu uy tín trong tâm trí khách hàng. Nhắc đến Apple, người dùng dễ hình dung về phần cứng xuất sắc đi đôi với trải nghiệm tuyệt vời. Đó là chuẩn mực trong tư duy dẫn đến việc khách hàng vô hình trung sẽ so sánh những smartphone khác với iPhone, đặc biệt là những smartphone thuộc nền tảng Android.
Để thu hút khách hàng, các nhà sản xuất phải khẳng định flagship của mình vượt trội hơn iPhone
Trong kinh doanh, thất bại doanh số sẽ không nặng nề bằng thất bại khi không chiếm được một vị trí tốt trong tâm trí khách hàng. Thuật ngữ này được gọi là "Top of Mind", nói nôm na là khi nhắc đến một loại hình sản phẩm, người dùng liên tưởng đến thương hiệu nào trước tiên, sẽ có khả năng đi đến quyết định mua hàng từ thương hiệu đó cao nhất.
Nhờ trải nghiệm sản phẩm ấn tượng, iPhone của Apple đang nắm lợi thế lớn ở cuộc đua "Top of Mind" trên thị trường smartphone. Mục tiêu đã rõ! Muốn giành chiến thắng lâu dài trước Apple, Samsung hay Huawei – hai đại diện lớn mạnh nhất của Android – phải đánh bại Táo Khuyết ngay từ trong tâm trí khách hàng. Và còn gì thiết thực và nhanh chóng hơn là so sánh trực tiếp với iPhone để chứng minh cho khách hàng thấy flagship cao cấp của Android vượt trội như thế nào?
Một lợi thế của chiến lược so sánh trực tiếp đó là thời điểm thế hệ iPhone mới được giới thiệu diễn ra khá trễ vào cuối năm (rơi vào khoảng tháng 9), trong khi các flagship Android thường ra mắt vào đầu hoặc giữa năm sau. Từ đó, các nhà sản xuất sẽ dễ dàng cho người dùng thấy được những chênh lệch lớn về thông số kỹ thuật và công nghệ của flagship Android so với iPhone.
Đơn cử như đầu năm 2019, Samsung Galaxy S10 và S10 Plus ra mắt sở hữu cụm camera chính có đến 3 cảm biến ảnh, hoặc sắp tới Huawei P30 Pro dự kiến có đến 4 camera sau thay vì chỉ 2 camera như iPhone XS và XS Max từ cuối năm 2018, tạo cho người dùng cảm giác chất lượng ảnh từ các flagship của Samsung và Huawei sẽ vượt trội hơn đáng kể.
Bên cạnh số cảm biến camera, số nhân – xung nhịp của CPU, điểm benchmark của GPU và dung lượng pin cũng là những thông số thường được đem ra so sánh.
Những hãng smartphone tập trung vào hiệu năng trên giá thành như Xiaomi lại sử dụng phép so sánh này chủ yếu để nâng tầm thương hiệu tương xứng với Apple, đồng thời khẳng định với một ngân sách vừa phải, khách hàng sẽ nhận được những gì tương đương hoặc thậm chí hơn cả iPhone.
Thật vậy, kể cả flagship cấu hình "khủng" và tích hợp nhiều công nghệ nổi bật như Xiaomi Mi 9 vẫn có giá phải chăng chỉ khoảng từ 450 USD, tức chưa bằng 1/2 giá khởi điểm của iPhone XS. Điều đó rất thích hợp với những thị trường có người dùng thu nhập trung bình như Ấn Độ và Đông Nam Á, và phần nào giúp Xiaomi tăng trưởng doanh số khá nhanh tại những thị trường này.
Mọi so sánh chỉ mang tính tương đối, quan trọng là sở thích của bạn!
Tất nhiên về phía người dùng, cần lưu ý rằng những khác biệt về tính chất hệ điều hành, chất lượng phần cứng, trải nghiệm thực tế và rất nhiều yếu tố khác sẽ không thể đem lên bàn cân so sánh hơn kém một cách rõ ràng được. Cộng thêm sự chênh lệch về thời gian ra mắt, việc so sánh giữa smartphone Android và iPhone chỉ mang tính tham khảo để bổ sung vào hiểu biết của mỗi người, nếu lạm dụng sẽ chỉ gây ra những tranh cãi không bao giờ có hồi kết.
Thực tế qua thời gian, smartphone Android và iPhone đều đã mượt mà và tiện dụng hơn rất nhiều, khác biệt trong trải nghiệm không còn đáng kể như trước. Mỗi nền tảng lại có những điểm hấp dẫn riêng. Quan trọng là bạn (những người dùng) hiểu rõ nhu cầu và sở thích của bản thân để lựa chọn cho mình chiếc smartphone phù hợp nhất!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét